Giờ làm việc Thứ Hai đến thứ Sáu | 08:00 - 17:00
  • Languages

Bàn tròn Doanh nghiệp “Thực trạng và giải pháp giảm áp lực chi phí logistics, phục hồi và phát triển ngành logistics trong bối cảnh đại dịch Covid-19”

BÀN TRÒN DOANH NGHIỆP
“THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP GIẢM ÁP LỰC CHI PHÍ LOGISTICS, PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH LOGISTICS TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19”

Thời gian: Chiều ngày 12 tháng 10 năm 2021 (Thứ Ba)

Trực tuyến trên nền tảng Zoom

Đại dịch Covid 19 đã và đang gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng cho các ngành kinh tế, làm xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gia tăng nhiều chi phí trong đó có chi phí logistics.

Để đánh giá chính xác thực trạng này, đặc biệt để tìm được giải pháp hữu hiệu nhằm ứng xử với những khó khăn, thách thức mang tính hệ thống cũng như những khó khăn phát sinh trong bối cảnh dịch, chuyên gia Dự án USAID/LinkSMEs, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã tổ chức một cuộc thảo luận Bàn tròn với chủ đề “Thực trạng và giải pháp giảm áp lực chi phí logistics, phục hồi và phát triển ngành Logistics trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.

Trong buổi thảo luận, Ông Nguyễn Duy Minh – Tổng thư ký VLA, CEO InterLogistics đã trình bày về các áp lực chi phí logistics cho doanh nghiệp Việt Namyêu cầu các định hướng giải pháp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phải được đồng bộ hoá.

Phần thảo luận về thực trạng và giải pháp tháo gỡ các rào cản trước mắt và trung hạn cho ngành logistics

Ông Nguyễn Minh Quang đặt vấn đề không nên chỉ chú trọng vào giải pháp giảm chi phí mà còn cần tìm giải pháp cho việc tăng doanh thu, giá trị hàng hoá xuất khẩu. Trong logistics các dịch vụ chiếm doanh thu cao như Contract Logistics, Overseas Freight (vận chuyển quốc tế) hiện không do Việt Nam mình làm chủ, còn lại vận chuyển xe container/ xe tải nội địa, dịch vụ giao nhận,… thì chiếm tỷ trọng rất thấp nên gần như mọi nỗ lực đều không thể kéo chi phí đi xuống đáng kể được.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc thường trực Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ đang xây dựng hệ thống các chỉ tiêu để xây dựng cơ sở dữ liệu giúp việc phân tích các chỉ số nói chung và chỉ số logistics nói riêng được chính xác, từ đó ra quyết định hiệu quả hơn.

Đại diện DHL Việt Nam bà Đỗ Thu Thuỷ chia sẻ trong thời gian giãn cách vừa qua nhờ DHL có hệ thống vận hành, hệ thống IT, mạng lưới kết nối hoạt động trên phạm vi toàn cầu nên tối ưu được từng đơn hàng, đánh giá và cải tiến mỗi ngày từng hub một trên tổng số 220 quốc gia có dịch vụ bằng chỉ số KPI.

Ông Trần Đức Nghĩa đến từ Delta Logistics đặt câu hỏi làm sao để tiết giảm chi phí Logistics trong khi các quy định và chính sách còn gây cản trở và phát sinh chi phí? Ông Trần Văn Hào đại diện TVC Transport chỉ rõ thực tế vừa qua các chuyến xe vận tải hàng hoá phía Bắc gặp khó khăn trong việc xét nghiệm Covid thường xuyên trong khi năng lực y tế đáp ứng rất chậm dẫn đến các doanh nghiệp không những phát sinh chi phí xét nghiệm mà còn chi phí cơ hội vì tài xế và xe tải đều phải nằm chờ hơn 24 giờ để lấy kết quả.

Trong buổi thảo luận, đề tài về chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực rất được quan tâm. Bà Phan Nguyễn Trúc An cho biết công ty U&I Logistics đã tiên phong tối ưu hoá điều vận tự động không cần dùng giấy tờ từ các phần mềm tự phát triển. Bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết theo khảo sát trước đó thì “trong đại dịch các doanh nghiệp FDI dường như chịu tác động ít hơn và phục hồi nhanh hơn” nhờ vào các quy trình bài bản nên nhanh chóng nhận diện vấn đề và đưa ra giải pháp thích hợp kịp thời.

Ông Nguyễn Xuân Hùng đại viện Vecom cho biết hoạt động thương mại điện tử hiện nay rất phát triển và cần dịch vụ logistics chuyên biệt cho các sàn. Ông cũng cho biết mô hình các sàn vận tải thuần tuý trước đây hiện phải chuyển đổi thành công cụ quản lý đơn hàng cho khách vì không giải quyết được bài toán chủ hàng và chủ xe sau “lần đầu đến với nhau nhờ mai mối” đã lấy số điện thoại và làm việc trực tiếp về sau.

Cố vấn cao cấp của VLA, Ông Nguyễn Tương cho biết các doanh nghiệp Việt Nam rất muốn liên kết với nhau nhưng lại sợ, sợ đủ thứ. Ông đồng tình với quan điểm của ông Võ Thanh Tú – đại diện ONEX Logistics rằng VLA cần tiên phong gắn kết các doanh nghiệp Logistics nói chung, mà trước mắt là các doanh hội viên của VLA vẽ lại bản đồ năng lực cốt lõi, liên kết các nguồn lực để giữ cho bằng được và chia sẻ miếng bánh dịch vụ trong nước hiện đang có.

ONEX Logistics Team.