Vận tải biển là ngành có từ rất lâu đời, chuyên chở trên 80% hàng hóa của thế giới. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngành này được chuẩn hóa để phát triển theo hướng ngày càng an toàn cho con người, an ninh, thân thiện môi trường và bền vững hơn thông qua các công ước quốc tế.
Chuẩn hóa quy định an toàn vận tải biển
Từ khi tổ chức Hàng hải Thế giới được thành lập năm 1958 đến nay, nhiều công ước quốc tế quan trọng đã được xây dựng và thông qua để đảm bảo việc đi biển được an toàn hơn cho con người, thân thiện hơn với môi trường. Những công ước quan trọng, là trụ cột của ngành hàng hải bao gồm Công ước quốc tế về An toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS), Công ước quốc tế về Ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu (MARPOL) và Công ước quốc tế về Tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca đối với thuyền viên (STCW).
Có một điểm chung là hầu hết các công ước, sửa đổi bổ sung của chúng đều ra đời sau các tai nạn tàu biển. Nói một cách khác, quá trình chuẩn hóa là quá trình trải qua đớn đau từ các tai nạn, đúc kết nên thành các công ước, bộ luật để ngăn ngừa những tai nạn kiểu như thế không xảy ra nữa. Chẳng hạn như công ước SOLAS và các sửa đổi quan trọng của nó đều được hình thành sau các tai nạn tàu. Bản đầu tiên của Công ước được thông qua năm 1914 sau tai nạn tàu Titanic, bản thứ 02 năm 1929, thứ 03 năm 1948, thứ 04 năm 1960, thứ 05 năm 1974 theo quy tắc đồng thuận ngầm và vẫn tiếp tục được bổ sung sửa đổi.
Bộ luật ISM về Hoạt động an toàn của tàu và ngăn ngừa ô nhiễm cũng ra đời sau một loạt tai nạn tàu những năm 1980, trong đó lỗi do quản lý là một trong những nguyên nhân chính của tai nạn, đặc biệt là sau tai nạn tàu Herald of Free Enterprise. Bộ luật quốc tế về An ninh tàu và bến cảng (ISPS) đưa ra các giải pháp tổng hợp để đảm bảo an ninh tàu và các phương tiện cảng ra đời sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/09/2001 ở Mỹ để chống lại những hiểm họa với tàu và cảng. Bộ luật ISPS được thực hiện thông qua chương XI-2 của Công ước SOLAS.
Chuẩn hóa quy định bảo vệ môi trường biển
Một con tàu chạy trên biển mang trong nó những nguy cơ tiềm tàng gây ô nhiễm môi trường như: tràn dầu, ô nhiễm do chở chất lỏng độc hại khối lượng lớn, ô nhiễm do các chất độc hại chuyên chở trên biển dưới dạng đóng gói, ô nhiễm do chất thải từ tàu, ô nhiễm do rác thải từ tàu, ô nhiễm không khí từ tàu. Để phòng ngừa tất cả những nguy cơ ô nhiễm tiềm tàng này, công ước MARPOL 73/78 đã ra đời sau rất nhiều tai nạn về tràn dầu đặc biệt là vụ mắc cạn của tàu dầu Torrey Canyon làm tràn 120.000 tấn dầu thô ra vùng biển giữa Anh và Pháp và có hiệu lực năm 1983.
Chuẩn hóa thuyền viên
Thuyền viên, chủ thể quan trọng nhất của hoạt động vận tải biển cũng được chuẩn hóa thông qua Công ước quốc tế về Tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca đối với thuyền viên (STCW) ra đời năm 1978, đã qua 7 lần sửa đổi và lần sửa đổi gần đây nhất vào năm 2010. Trước khi có công ước này, các tiêu chuẩn về huấn luyện, cấp chứng chỉ sỹ quan và thuyền viên do từng quốc gia đặt ra và không quan tâm đến thực tế hoạt động của các quốc gia khác mặc dù vận tải biển là ngành mang tính toàn cầu. Sự ra đời của Công ước STCW đã chuẩn hóa thuyền viên toàn cầu, giúp cho việc tuyển dụng thuyền viên nước ngoài hoạt động trên các tàu vận chuyển quốc tế dễ dàng hơn và thúc đẩy quá trình phát triển của ngành này.
Chuẩn hóa cách thức chuyên chở hàng hóa
Hàng hóa chuyên chở trên tàu biển lúc khởi đầu là những kiện rời rạc. Sau đó chúng được xếp vào các container chưa được chuẩn hóa. Năm 1967 tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã thông qua tiêu chuẩn container quốc tế loại lớn áp dụng trong chuyên chở quốc tế. Container sau đó càng được hoàn thiện và phát triển cho đến ngày nay. Việc vận chuyển hàng hóa bằng container đã được chuẩn hóa tạo điều kiện thuận lợi cho việc xếp dỡ, chuyên chở, bảo quản và nâng cao hiệu quả kinh tế vận tải trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ nơi gửi đến nơi nhận. Đó chính là cách thức chuẩn hóa việc chuyên chở hàng hóa trong vận tải đường biển.
Chuẩn hóa trong tương lai
Ngành vận tải biển đang hướng tới phát triển theo hướng bền vững: an toàn cho con người, an ninh vận tải, thân thiện hơn với môi trường. Cùng với sự sửa đổi, ra đời của các công ước, bộ luật, một sự phát triển mà ngành này đang hướng tới nhờ sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật hiện đại là vận hành tàu không người lái. Những con tàu tự động này sẽ giúp cho các sỹ quan, thuyền viên được an toàn hơn vì họ sẽ làm việc trên bờ, điều khiển các con tàu qua buồng máy ở trên bờ thay vì phải làm việc lênh đênh trên biển trong nhiều điều kiện khắc nghiệt. Và những con tàu này cũng sẽ thân thiện hơn với môi trường. Phải chăng tàu tự động vượt biển sẽ là tương lai chuẩn hóa của ngành vận tải?
Sửa đổi gần đây nhất của SOLAS về quy định cân toàn bộ container trước khi lên tàu cũng được khởi nguồn sau một loạt tai nạn tàu mà một trong những nguyên nhân chủ yếu do trọng lượng thực tế của container vượt quá nhiều lần so với trọng lượng khai báo, như tai nạn tàu container Deneb ở Algeciras vào tháng 06/2011 (khối lượng container khai báo là 93 tấn trong khi khối lượng thực tế là hơn 278 tấn), tàu Napoli vào tháng 01/2007 và tàu MV Limari ở Damietta vào tháng 02/2007 cùng nhiều tai nạn khác ở cảng gây ra do khai báo sai cân nặng của container . |
Ngành vận tải biển là ngành đặc biệt, mang tính toàn cầu và đóng góp tích cực cho sự phát triển của thế giới. Theo thời gian, ngành ngày càng được chuẩn hóa từ các quy định pháp lý về con người, môi trường và cách thức vận tải. Tuy nhiên, đó là quá trình chuẩn hóa được xây dựng trên những tai nạn thương đau của nhiều con tàu. Phải chăng các cơ quan ngành vận tải nên chủ động hơn, tiên phong đưa ra các giải pháp giảm thiểu tai nạn thay vì chỉ chạy theo khắc phục chúng? Tương lai của việc chuẩn hóa ngành vận tải sẽ thế nào để tiến tới một ngành vận tải phát triển bền vững? Tàu tự động vận hành có phải là câu trả lời. Tương lai sẽ trả lời chúng ta.
Nguồn: Viện Logistics
ONEX Logistics Team.