XÁC ĐỊNH MÃ HS, DỄ NHƯNG KHÓ
1. Mã HS là gì?
Mã HS (HS code) là mã phân loại của hàng hóa, dùng để xác định thuế suất xuất nhập khẩu của hàng hóa.
Chi tiết hơn HS Code hay Mã HS là mã số của hàng hóa xuất nhập khẩu theo Hệ thống phân loại hàng hóa do Tổ chức Hải quan thế giới phát hành có tên là “Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa” (HS-Harmonized Commodity Description and Coding System).
Khi xuất nhập khẩu hàng hóa cần xác định mã HS chính xác để tính thuế mà doanh nghiệp phải nộp.
2. Những khó khăn khi tra cứu mã HS
Doanh nghiệp thường áp mã HS không chính xác do chưa nắm rõ quy tắc áp mã theo quy định. Mỗi loại hàng hóa chỉ có một mã HS duy nhất do đó khi áp mã cho hàng hóa, doanh nghiệp cần tra kĩ dựa trên các thông tin như sau: thành phần, cấu tạo, tính chất lý, hóa, công dụng. Doanh nghiệp thường áp vào mã HS code có thuế suất thấp nhất nhưng quan điểm của hải quan thì ngược lại – áp vào mã HS code có thuế suất cao nhất, do đó người khai hải quan cần có kiến thức chuyên môn để chứng minh việc khai báo của mình.
Và để áp mã hs cho một loại hàng hóa ta cần căn cứ vào:
+ Tài liệu kỹ thuật, thành phần, cấu tạo, tính chất lý, hóa, công dụng,… của hàng hóa;
+ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30 tháng 01 năm 2015 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”;
+ Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 thay thế cho Thông tư số 103/2015/TT-BTC Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam tại Phụ lục I.
+ Sáu quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dựa trên Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hoá của Tổ chức Hải quan thế giới tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 thay thế cho Thông tư số 103/2015/TT-BTC.
Sáu quy tắc giải thích phân loại hàng hóa theo HS này phải được xem xét theo thứ tự, không áp dụng được quy tắc này mới áp dụng sang quy tắc tiếp theo, trình tự như sau:
- Quy tắc 1, 2(a), 2(b), 3(a), 3(b), 3(c), 4.
- Riêng quy tắc 5 và 6 được áp dụng riêng biệt.
HS code gồm 21 Phần với 99 Chương và khoảng 5000 Nhóm hàng.
– Để xác định chính xác mã HS của hàng hóa, trước khi làm thủ tục hải quan công ty bạn có thể gửi hồ sơ tới Tổng cục Hải quan để xin xác định trước mã số hàng hóa. Hồ sơ xác định trước mã HS của hàng hóa được quy định tại khoản 01 Điều 07 Chương I Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 03 năm 2015 của Bộ Tài chinh và được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC như sau:
Điều 7. Hồ sơ xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan
- Hồ sơ, mẫu hàng hóa xác định trước mã số
- a) Đơn đề nghị xác định trước mã số theo mẫu số 01/XĐTMS/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư này;
- b) Tài liệu kỹ thuật do tổ chức, cá nhân đề nghị xác định trước mã số hàng hóa cung cấp (bản phân tích thành phần, catalogue, hình ảnh hàng hóa): 01 bản chụp;
- c) Mẫu hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu (nếu có).
Cơ quan hải quan tiếp nhận và xử lý mẫu hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Tuy nhiên, khách hàng cũng có thể tham khảo trước các thông tin liên quan về mặt hàng của mình như mã H/S, biểu thuế, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan tại Cơ sở Dữ liệu Thương mại Việt Nam (VNTR) do Bộ Công Thương quản lí. Những ưu điểm của hệ thống này, có thể kể đến như:
- Giao diện thân thiện, có hướng dẫn sử dụng cụ thể
- Dữ liệu được cung cấp đa dạng, đầy đủ, độ xác thực cao
- Các thông tin được thường xuyên cập nhật (tin tức, sự kiện, các ấn phẩm, số liệu thống kê)
ONEX Logistics Team.